Phản ứng Thảm_sát_Ngày_lễ_Thánh_Barthélemy

Huy chương của Gregory XIII kỷ niệm cuộc tàn sát

Những ghi nhận vào lúc ấy nói rằng thi thể người chết bị bỏ trôi sông đến nỗi không ai dám ăn cá. Phản ứng Giáo hoàng Gregory XIII là vui mừng: tất cả chuông nhà thờ ở Roma ngân vang cho ngày lễ tạ ơn, Lâu đài Sant’Angelo (Castel Sant’Angelo) nổ súng chào mừng, một huy chương đặc biệt được đúc để vinh danh sự kiện[4]. Giáo hoàng cũng ra lệnh Giorgio Vasari thực hiện ba bức bích họa tại sảnh Sala Regia trong Điện Vatican miêu tả thương tích và cái chết của Coligny. Charles IX tuyên bố trước Quốc hội "Cuộc tàn sát nên được xem như là một sự báo thù từ Chúa; Coligny là mối đe dọa cho thế giới Cơ Đốc giáo, do đó giáo hoàng thiết lập ngày 11 tháng 9 năm 1572 là ngày kỷ niệm cho hai sự kiện: trận Lepanto và cuộc tàn sát người Huguenot"[5]. Giáo hội Công giáo chưa bao giờ chính thức xin lỗi với lập luận ngày lễ không phải để kỷ niệm cuộc tàn sát người Huguenot mà nhắc lại sự thất bại của một âm mưu lật đổ nhằm kiểm soát quyền chính tại Pháp[6].

Tại Paris, nhà thơ Jean-Antoine de Baïf, nhà sáng lập Viện Hàn lâm Âm nhạc và Thi ca (Academie de Musique et de Poésie), sáng tác một bài thơ sonnet hết lời ca tụng những người tham gia cuộc tàn sát. Ngược lại, hoàng đế Maximilian II của đế quốc La Mã thần thánh, nhạc phụ của Charles IX, tỏ ra kinh tởm, gọi cuộc thảm sát là "sỉ nhục". Những người Công giáo Pháp ôn hoà bắt đầu tự hỏi liệu sự đồng nhất tôn giáo có xứng đáng với cái giá phải trả cho quá nhiều máu đã đổ như thế, và họ bắt tay thành lập phong trào Politiques với chủ trương hòa hợp dân tộc là quan trọng hơn các quyền lợi giáo phái.

Các quốc gia Kháng Cách bày tỏ sự bất bình với cuộc tàn sát đẫm máu, và chỉ có những nỗ lực cao độ của các đại sứ của Catherine mới có thể ngăn sự sụp đổ của chính sách ngoại giao của thái hậu hầu duy trì mối giao hảo với các quốc gia này. Ngay cả đại sứ Vương quốc Anh tại Pháp, Sir Francis Walsingham, cũng suýt mất mạng trong cuộc thảm sát[7].